BỐI CẢNH KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC
Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch
a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 11/2024 ước đạt 562,0 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung mười một tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,0%).
Trong tháng Mười Một, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa[3] sơ bộ đạt 66,4 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước và tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung mười một tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%[4]. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,31 tỷ USD.
+ Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2024 sơ bộ đạt 33,73 tỷ USD, giảm 5,3% so với tháng trước và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung mười một tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 103,88 tỷ USD, tăng 20,0%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 266,05 tỷ USD, tăng 12,4%, chiếm 71,9%.
+ Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu mười một tháng năm 2024 nhóm hàng công nghiệp chế biến sơ bộ đạt 325,52 tỷ USD, chiếm 88,0%.
+ Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2024 sơ bộ đạt 32,67 tỷ USD, giảm 2,8% so với tháng trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung mười một tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 345,62 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 126,05 tỷ USD, tăng 18,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 219,57 tỷ USD, tăng 15,2%.
+ Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu mười một tháng năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất sơ bộ đạt 323,72 tỷ USD, chiếm 93,7%.
– Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa mười một tháng năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 108,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 130,2 tỷ USD.
– Cán cân thương mại hàng hóa tháng Mười Một sơ bộ xuất siêu 1,06 tỷ USD. Tính chung mười một tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 24,31 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 26,2 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,17 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 46,48 tỷ USD.
c) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2024 tăng 0,13% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng Mười Một tăng 2,65% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,77%. Bình quân mười một tháng năm 2024, CPI tăng 3,69% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,7%.
– Chỉ số giá vàng tháng 11/2024 tăng 2,26% so với tháng trước; tăng 32,91% so với tháng 12/2023; tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân mười một tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 28,42%.
– Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2024 tăng 1,76% so với tháng trước; tăng 4,22% so với tháng 12/2023; tăng 3,63% so với cùng kỳ năm trước; bình quân mười một tháng năm 2024 tăng 4,97%.
d) Vận tải hành khách và hàng hóa
Vận tải hành khách tháng 11/2024 ước đạt 464,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 23,8 tỷ lượt khách.km, tăng 12,0%. Tính chung mười một tháng năm 2024, vận tải hành khách ước đạt 4.596,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 250,9 tỷ lượt khách.km, tăng 11,6%.
Vận tải hàng hóa tháng 11/2024 ước đạt 246,2 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 49,6 tỷ tấn.km, tăng 14,4%. Tính chung mười một tháng năm 2024, vận tải hàng hóa ước đạt 2.420,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 493,5 tỷ tấn.km, tăng 11,5%.
Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11/2024 tăng cao, đạt 1,7 triệu lượt người, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung mười một tháng năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 15,8 triệu lượt người, tăng 41,0% so với cùng kỳ năm trước.
– Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Theo báo cáo từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong mười một tháng năm nay, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ cho người dân gần 21,8 nghìn tấn gạo, trong đó: Chính phủ hỗ trợ 10,4 nghìn tấn gạo cứu đói nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn cho 693,4 nghìn nhân khẩu; hỗ trợ hơn 5,9 nghìn tấn gạo cứu đói giáp hạt năm 2024 cho 396,3 nghìn nhân khẩu; các địa phương cũng xây dựng kế hoạch, chủ động bố trí ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ gần 5 nghìn tấn gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.
– Trong mười một tháng năm 2024, cả nước có 114,9 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (18 ca tử vong); 67,9 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 14,3 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi (04 ca tử vong); 74 trường hợp tử vong do bệnh dại; 532 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (06 ca tử vong); 22 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu; 10 trường hợp mắc bạch hầu (01 ca tử vong); 01 trường hợp mắc cúm A và đã tử vong.
– Trong tháng Mười Một (từ 26/10-25/11/2024), cả nước đã xảy ra 1.994 vụ tai nạn giao thông. Tính chung mười một tháng năm 2024, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 21.453 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.940 người, bị thương 15.896 người. Bình quân một ngày trong mười một tháng năm 2024, trên địa bàn cả nước xảy ra 64 vụ tai nạn giao thông, làm chết 30 người, bị thương 47 người.
– Thiệt hại do thiên tai trong tháng Mười Một chủ yếu do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ, ngập lụt. Tính chung mười một tháng năm nay, thiên tai làm 541 người chết và mất tích, 2.189 người bị thương; 299,1 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; gần 5,3 triệu con gia súc, gia cầm bị chết; 92,2 nghìn ha hoa màu và 314,8 nghìn ha lúa bị ngập, hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 84.345,1 tỷ đồng, gấp hơn 19,1 lần cùng kỳ năm 2023.
– Trong tháng (từ 18/10-17/11/2024), các cơ quan chức năng phát hiện 978 vụ vi phạm môi trường tại 49/63 địa phương. Tính chung mười một tháng năm nay, các cơ quan chức năng phát hiện 20.260 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 18.623 vụ với tổng số tiền phạt 280,9 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
– Trong mười một tháng năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 3.772 vụ cháy, nổ, làm 96 người chết và 111 người bị thương, thiệt hại ước tính 454,3 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước./.
[1] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận ngày 02/12/2024. Thực hiện Nghị định số 62/2024/NĐ-CP ngày 07/6/2024 của Chính phủ (có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2024), thời kỳ số liệu về đăng ký doanh nghiệp trong tháng được tính từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng báo cáo. Riêng đối với các chỉ tiêu thời điểm (doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể), thời kỳ số liệu các tháng trước thời điểm 01/8/2024 được tính từ ngày 21 của tháng trước tháng báo cáo đến ngày 20 của tháng báo cáo.
[2] Kim ngạch xuất khẩu tính theo giá F.O.B và kim ngạch nhập khẩu tính theo giá C.I.F (bao gồm chi phí vận tải, bảo hiểm của hàng nhập khẩu).
[3] Số liệu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ tháng 11/2024 do Tổng cục Hải quan cung cấp ngày 3/12/2024.
[4] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa mười một tháng năm 2023 đạt 620,2 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 323,2 tỷ USD, giảm 5,7%; nhập khẩu đạt 297,0 tỷ USD, giảm 13,3%.
Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 681,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 354,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 326,4 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 28,3 tỷ USD
Năm 2023 là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó chịu tác động mạnh từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sụt giảm tổng cầu, các động lực tăng trưởng chính của Việt Nam như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gặp nhiều thách thức.
Vượt qua nhiều trở ngại, cả năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 681,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 354,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 326,4 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 28,3 tỷ USD./.
Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay và trong tiến trình đó, việc nâng cấp quan hệ chính trị luôn tạo nền tảng và động lực quan trọng cho hợp tác kinh tế song phương. Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 12/2023 đã xác lập dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước, mở ra cơ hội và triển vọng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại.
Bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, lượng vốn thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) Trung Quốc đổ vào Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến ngày 20/11/2023, tổng số dự án FDI của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam đạt 4.161 dự án (đứng thứ 3/143 quốc gia và vùng lãnh thổ), với tổng số vốn hơn 27 tỷ USD (đứng thứ 6/143 quốc gia và vùng lãnh thổ), bình quân mỗi dự án khoảng 6,50 triệu USD/dự án, thấp hơn bình quân của toàn quốc (8,56 triệu USD/dự án). Riêng năm 2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào Việt Nam, đứng thứ 4 trong 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại nước ta. Về lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào 19/21 ngành, lĩnh vực, nhưng tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực chế biến, chế tạo với 2.202 dự án, tổng vốn đăng ký 19,8 tỷ USD, chiếm 78,7%. Về địa bàn, doanh nghiệp Trung Quốc có mặt tại 56/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam; dẫn đầu là Tây Ninh với 89 dự án, vốn đăng ký 5 tỷ USD, chiếm 19,7%; Bắc Giang 151 dự án, vốn đăng ký 2,18 tỷ USD; Bình Thuận 10 dự án, vốn đăng ký 2 tỷ USD.
Một số dự án lớn, điển hình của Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam như: Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam (1,5 tỷ USD) - ngành nghề về Công nghệ tế bào quang điện; Tập đoàn Deli (Trung Quốc) đầu tư 400 triệu USD, tại tỉnh Hải Dương - Khu công nghiệp (KCN) Đại An mở rộng; Công ty BoViet - công ty con thuộc Tập đoàn BoWay (Trung Quốc) - vốn đầu tư khoảng 120 triệu USD dự kiến sẽ thu hút khoảng 4.000 lao động, ngành nghề: sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời; Công ty Innovation Precision Việt Nam (thuộc Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology Trung Quốc) - xây nhà máy hợp kim nhôm tổng vốn 165 triệu USD tại KCN VSIP Nghệ An; Runergy xây nhà máy vật liệu bán dẫn 293 triệu USD ở Nghệ An. Ngoài ra, Việt Nam có 7 KCN, KCX do các nhà đầu tư Trung Quốc làm chủ đầu tư, hiện các KCN này đều đang hoạt động ổn định và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Về chất lượng vốn đầu tư từ Trung Quốc, trước đây, đa số các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ trung bình và thấp, thâm dụng lao động và năng lượng, một số dự án gây ô nhiễm môi trường. Chính vì lẽ đó, một số địa phương có phần e ngại khi tiếp xúc với các dự án FDI đến từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, nắm bắt cơ hội cuộc cách mạng công nghệ và chuyển đổi số, Trung Quốc nổi lên trở thành quốc gia cạnh tranh mạnh mẽ với Mỹ và các nước phát triển trong nhiều lĩnh vực then chốt của kinh tế và công nghệ tương lai như đường sắt, tàu cao tốc không người lái, phát triển năng lượng xanh, điện tử, công nghệ 5G phổ cập toàn quốc, trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ vũ trụ. Trung Quốc tham vọng đến năm 2049, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về kinh tế và khoa học công nghệ.
Chính bởi lẽ đó, việc thu hút các dự án công nghệ cao từ Trung Quốc đang thực sự là cơ hội để Việt Nam cải thiện chất lượng hiệu quả thu hút FDI, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia vùng lãnh thổ, thực hiện hóa lợi ích và kết quả hội nhập kinh tế quốc tế, phát huy giá trị của đường lối ngoại giao liên kết đầy năng động và thân thiện. Để thu hút hiệu quả các dự án FDI công nghệ cao từ Trung Quốc, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển các DN, Việt Nam cần tạo lập hệ sinh thái cho thu hút và phát triển công nghệ. Cải thiện hiệu quả môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho DN gồm hệ thống chính sách văn bản pháp luật, thủ tục hành chính thông thoáng, minh bạch, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển.
Với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế thương mại, nhiều năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững.
Trung Quốc và Việt Nam có chung đường biên giới trên bộ, trên biển và đường thủy. Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới trên đất liền dài khoảng 1.449,566 km, trong đó có 383,914 km đường biên giới đi theo sông suối, tiếp giáp giữa 7 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc. Đặc điểm này mang lại cho hai nước lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu. Cùng với đó, trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn.
Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc các sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng...
Nhiều năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với thế giới, đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Theo số liệu của Cục hải quan, năm 2018, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD. Kể từ đó, kim ngạch thương mại giữa hai nước không ngừng tăng, cụ thể: năm 2019 đạt 111,86 tỷ USD, năm 2020 đạt 133,l tỷ USD và những năm đại dịch covid-19 cũng đạt mức cao, với 165,88 tỷ USD năm 2021, và 175,56 tỷ USD năm 2022; năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt gần 171,2 tỷ USD, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Trung Quốc nhiều năm gần đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt nam, sau Mỹ. Năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2022 (tương ứng tăng thêm 3,5 tỷ USD), trong đó, có 12 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường này đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc vẫn duy trì được tăng trưởng dương trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm. Với mặt hàng rau quả, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 53,7% lượng hàng xuất ra nước ngoài; xuất khẩu vải thiều chiếm 90%; thanh long chiếm hơn 80%; cao su là 71% và Trung Quốc hiện là thị trường thứ 3 của xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Một số mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng trưởng đột biến trong năm 2023, nổi bật là sầu riêng đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng khoảng 5 lần so với năm 2022.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc những năm qua luôn tồn tại một vấn đề lớn là tính hiệu quả chưa cao. Về thương mại, mặc dù kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng mạnh, nhưng thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tăng nhanh và lên mức kỷ lục hơn 60 tỷ USD vào năm 2022, khoảng 50 tỷ USD năm 2023; mức độ phụ thuộc của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc ngày càng lớn. Tình trạng thiếu trao đổi thông tin, thiếu ổn định chính sách thương mại dẫn đến ùn ứ cục bộ trong xuất khẩu hàng hóa, nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc diễn ra thường xuyên.
Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam trong tháng 12/2023 vừa qua đã mở ra những kỳ vọng mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung và hợp tác về kinh tế nói riêng. Đặc biệt trong 36 thỏa thuận được ký kết giữa hai quốc gia, 2/3 số thỏa thuận liên quan đến hợp tác kinh tế - đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng… đã thể hiện tinh thần quyết tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia lên một tầm cao mới.
Tuyên bố Chung đã nêu ra một số lĩnh vực đầu tư, thương mại, hai bên nhất trí cùng thúc đẩy hợp tác:
Về đầu tư: Trung Quốc nhận định rằng Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng trong chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và các nước khác, nhất là các sản phẩm điện tử và dệt may. Theo ông Gu Xiaosong, chuyên gia về Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ASEAN thuộc Đại học Nhiệt đới Hải Nam, Trung Quốc có một lượng lớn nguyên liệu, linh kiện xuất khẩu sang Việt Nam để chế biến, thành phẩm sau đó được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Châu Âu và những nơi khác. Các nhà đầu tư Trung Quốc để ý Việt Nam bởi vị trí địa lý tiếp giáp với nhau và thị trường Việt Nam mở với việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với các đối tác rộng lớn như EVFTA, CPTPP, RCEP…. Cùng với đó, Trung Quốc cũng nhận ra Việt Nam đã có những lợi thế so sánh nhất định trong các ngành công nghiệp, phù hợp với xu hướng chuyển giao chuỗi công nghiệp của Trung Quốc, từ đó tạo nên sự chủ động đầu tư sang thị trường Việt Nam để nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của sản phẩm.
Về thương mại. Trung Quốc với quy mô dân số lớn thứ 2 thế giới với thị trường hơn 1,3 tỷ người, có nhu cầu tiêu dùng rất lớn và Việt Nam với thị trường kinh tế mở với nhiều FTA quan trọng, sẽ tạo điều kiện cho thương mại giữa hai nước tiếp tục tăng trưởng. Cùng với vị trí địa lý thuận lợi, Trung Quốc và Việt Nam cùng chung các khuôn khổ hợp tác như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Khu vực Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN (CAFTA),… tạo điều kiện thuận lợi cho gia tăng hoạt động trao đổi thương mại giữa hai nước. Trong “Báo cáo chuyên đề quốc tế: Làm thế nào Trung Quốc và Việt Nam có thể đạt được hợp tác kinh tế và thương mại cùng có lợi trong khuôn khổ RCEP” của Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), nhóm tác giả cũng đã đưa ra nhưng khuyến nghị rằng Trung Quốc nên chủ động mở rộng nhập khẩu các mặt hàng lợi thế của Việt Nam và chủ động tăng cường đầu tư trực tiếp vào Việt Nam để khai thác các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, bổ sung cho nền kinh tế Trung Quốc.
Phát triển hợp tác kinh tế với Trung Quốc sâu rộng trên mọi lĩnh vực là phương hướng tất yếu để nâng cao giá trị lợi ích kinh tế cho Việt Nam, đồng thời làm tốt đẹp quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung. Để thực hiện điều đó, không thể thiếu đi sự hỗ trợ từ chính phủ hai bên. Theo bà Ye Yan, Ban Thư ký Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CABIS), giải pháp để tăng cường hợp tác song phương kinh tế và đầu tư giữa hai nước là tích cực phát huy vai trò của cơ quan xúc tiến thương mại, thúc đẩy các kênh hợp tác công nghiệp. Tuy nhiên, đi đôi với đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước, Việt Nam cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
Trong lĩnh vực đầu tư: Đối với đầu tư, số lượng cần đi đôi với chất lượng. Cùng với thu hút vốn đầu tư từ Trung Quốc, Việt Nam cũng cần lưu ý kiểm soát hiệu quả và cải thiện chất lượng của dòng vốn này. Một số doanh nghiệp Trung Quốc thường đầu tư vào các lĩnh vực ít mang lại giá trị gia tăng cao, lại dễ gây ô nhiễm môi trường như khai khoáng, hóa chất, dệt may… Do đó, Việt Nam cần phải có chọn lọc trong việc lựa chọn các dự án đầu tư, phù hợp với bối cảnh và định hướng nền kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam cũng cần lưu ý khi nhận đầu tư từ Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhất là các rủi ro về làm gia tăng nợ công, chuyển đổi công nghệ lạc hậu, thiếu minh bạch trong đấu thầu và hiệu quả dự án thấp. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư trong phát triển nền kinh tế, Việt Nam phải có những hành động thực tế, chủ động đốc thúc và thiết lập các biện pháp để tăng tốc độ giải ngân của dự án, không để các dự án chậm tiến độ, đội vốn, làm giảm chất lượng thi công.
Cùng với đó, Trung Quốc thường đưa lao động từ nước họ sang để làm việc trong các dự án đầu tư FDI. Việc kiểm soát tỷ lệ lao động Trung Quốc trong doanh nghiệp là cần thiết, điều này vừa tạo điều kiện cho lao động Việt Nam, giúp khai thác tốt hơn nguồn vốn FDI và đặc biệt là đảm bảo an ninh cho khu vực nhận đầu tư.
Ngoài ra, kể từ cuộc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, khi Mỹ áp đặt mức thuế nhập khẩu cao đối với hàng hóa từ Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc đã gia tăng đầu tư ra nước ngoài để đối phó với các biện pháp của Mỹ. Việt Nam, nước láng giềng với Trung Quốc có mối quan hệ thương mại tốt với Mỹ, nhất là vừa qua, hai bên đã nâng cấp lên quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện”, trở thành thị trường tiềm năng được các doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm mở rộng cơ hội. Do đó, Việt Nam cũng cần lưu ý đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp FDI Trung Quốc, tránh để Việt Nam ở thành điểm đến để các doanh nghiệp Trung Quốc làm bàn đạp, gian lận xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ, làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam và quan hệ hợp tác Việt - Mỹ.
Trong lĩnh vực thương mại: Việt Nam phải nỗ lực nâng cao chất lượng Thương mại với Trung Quốc. Cụ thể, Việt Nam cần chú trọng cải thiện cán cân thương mại Việt-Trung. Để giảm bớt thâm hụt thương mại, Việt Nam cần cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là những mặt hàng Việt Nam có ưu thế.
Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính mà đang hướng tới các tiêu chuẩn cao, đặc biệt là trong sản phẩm nông nghiệp. Việt Nam cần chủ động nghiên cứu kỹ thông tin, tín hiệu và các quy định, tiêu chuẩn của thị trường, tuân thủ đầy đủ các điều kiện về đăng ký doanh nghiệp, các tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc… từ đó chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đón đầu các quy định để nâng cao hiệu quả xuất khẩu sản phẩm.
Đồng thời, các cơ quan chính phủ cũng cần tích cực đàm phán, tháo gỡ những khó khăn cùng với chính quyền Trung Quốc, hạn chế việc ùn tắc hàng hóa ở cửa khẩu biên giới Việt-Trung. Chẳng hạn đối với các sản phẩm nông nghiệp, Việt Nam cần tăng cường đàm phán với nước bạn để ký kết sớm những quy định chung về kiểm dịch động thực vật, từ đó chuẩn hóa các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam, hạn chế tình trạng bị từ chối do không đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường.
Áp lực cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc ngày càng lớn khi có nhiều nước cũng tập trung khai thác thị trường quan trọng này. Do đó, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cần nắm bắt rõ thông tin, triển khai đồng bộ các giải pháp để hàng hóa xuất khẩu thuận lợi; trong đó cần quan tâm ưu tiên hàng đầu tới nâng cao chất lượng sản phẩm và chú trọng chuyển đổi xuất khẩu từ hình thức tiểu ngạch sang chính ngạch. Đây là xu thế tất yếu, đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa bắt buộc phải thay đổi và thích ứng.
Đối với nhập khẩu, Việt Nam phải tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm, tránh để hàng hóa chất lượng thấp, thực phẩm không an toàn tràn lan vào thị trường. Đồng thời, hàng hóa Trung Quốc với mẫu mã đa dạng, bắt mắt và giá rẻ sẽ là đối thủ cạnh tranh với hàng hóa sản xuất trong nước. Việt Nam cũng cần có những biện pháp cân bằng giữa việc gia tăng thương mại với Trung Quốc và bảo hộ sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa. Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam đang theo đuổi chiến lược phát triển nền kinh tế chất lượng cao và bền vững, đòi hỏi chất lượng hàng hóa phải càng ngày càng có chất lượng cao, hạn chế phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Việc gia tăng kiểm soát chất lượng trong nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất là quan trọng và cần thiết.
Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 phát triển nhanh chóng và xu hướng số hóa các ngành kinh tế ngày càng phổ biển, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới với Trung Quốc. Trung Quốc là một quốc gia phát triển mạnh về thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến, thông qua hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới, Việt Nam có thể học hỏi được những kinh nghiệm đồng thời thúc đẩy hợp tác tài chính số, giúp phát triển các giải pháp thanh toán trực tuyến và nâng cao công nghệ tài chính của Việt Nam./.
Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023[1]. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I/2023 tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,66% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023[2], làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 5,6% (sản lượng khai thác than giảm 0,5% và dầu mỏ thô khai thác giảm 6%), làm giảm 0,2 điểm phần trăm. Riêng ngành xây dựng tăng 1,95%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,28% và 1,41% của cùng kỳ năm 2011 và 2012 trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ trong quý I/2023 thể hiện rõ sự phục hồi[3] nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh. Đóng góp của một số ngành dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I năm nay như sau: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,64 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%, đóng góp 0,85 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 1,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,57%; 37,08%; 42,06%; 9,29%).
Về sử dụng GDP quý I/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 46,11% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 0,02%, đóng góp 0,14%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,33%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,52%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 53,75%.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý I năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Tính đến trung tuần tháng Ba, cả nước gieo trồng được 2.922,3 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 98,7% cùng kỳ năm trước. Trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.478,7 nghìn ha, bằng 98,1% và đã cho thu hoạch 792,4 nghìn ha, chiếm 53,6% diện tích gieo cấy và bằng 101,9% cùng kỳ năm trước, năng suất đạt 71,2 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha; sản lượng ước đạt 10,5 triệu tấn, giảm 145,4 nghìn tấn do diện tích gieo trồng giảm 28,1 nghìn ha.
– Quý I năm 2023, sản lượng thu hoạch nhiều loại cây lâu năm tăng so với cùng kỳ năm 2022 do thời tiết thuận lợi, giá bán sản phẩm ổn định.
– Chăn nuôi: Chăn nuôi bò trong quý phát triển ổn định. Chăn nuôi gia cầm phát triển khá, dịch bệnh được kiểm soát. Chăn nuôi lợn có mức tăng sản lượng cao nhưng lại gặp khó khăn do giá bán thịt hơi ở mức thấp, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Tính chung quý I/2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 38,7 nghìn ha, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 3.349,2 nghìn m3, tăng 4,2%; diện tích rừng bị thiệt hại 251,6 ha, tăng 14,2%.
Tính chung quý I/2023, sản lượng thủy sản ước đạt 1.889,2 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 1.404,6 nghìn tấn, tăng 1,4%; tôm đạt 184,5 nghìn tấn, tăng 2,2%; thủy sản khác đạt 300,1 nghìn tấn, tăng 0,7%.
– Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I năm 2023 ước tính giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Chỉ số IIP ước tính giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,8%).
– Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2023 giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,6%).
– Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2023 tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 17,7%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2023 là 81,1% (bình quân quý I/2022 là 79,9%).
– Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/3/2023 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,2% so với cùng thời điểm năm trước.
a) Tình hình đăng ký doanh nghiệp
– Trong tháng Ba, cả nước có 14,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 60,9% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 6,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60,1% và tăng 46,2%; có 4.147 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 9,1% và tăng 39,3%; 3.452 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 31% và tăng 39,5%; có 1.412 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 21% và tăng 31,1%.
– Tính chung quý I/2023, cả nước có 57 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 60,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 20,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2023 cho thấy số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn thấp hơn nhiều so với các quý năm 2022 (chỉ có 24,3%) nhưng dự kiến quý II/2023, có 44,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý I/2023.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Ba ước đạt 501,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.505,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,3%.
Vận tải hành khách tháng Ba ước đạt 372,4 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 0,7% so với tháng trước và luân chuyển 21,6 tỷ lượt khách.km, tăng 2,2%. Tính chung quý I năm 2023, vận tải hành khách ước đạt 1.114,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 63,7 tỷ lượt khách.km, tăng 66,5%. Vận tải hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 184,9 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 2,1% so với tháng trước và luân chuyển 40,1 tỷ tấn.km, tăng 1,7%. Tính chung quý I năm 2023, vận tải hàng hóa ước đạt 549,8 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 117,4 tỷ tấn.km, tăng 21,9%.
Khách quốc tế đến Việt Nam tháng Ba ước đạt 895,4 nghìn lượt người, giảm 4% so với tháng trước và gấp 21,5 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 2.699,5 nghìn lượt người, gấp 29,7 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
6. Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán
– Tính đến thời điểm 20/3/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 0,57% so với cuối năm 2022; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,77%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61%.
– Tổng doanh thu phí bảo hiểm quý I/2023 ước đạt 59.458 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022.
– Tính chung quý I năm 2023, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 11.437 tỷ đồng/phiên, giảm 43,3% so với bình quân năm 2022; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 4.740 tỷ đồng/phiên, giảm 38,3%.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2023 theo giá hiện hành ước đạt 583,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực Nhà nước tăng 11,5% cho thấy sự quyết tâm nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/3/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 7,8 tỷ USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,32 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng thu ngân sách Nhà nước quý I/2023 ước đạt 491,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán năm và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách Nhà nước quý I/2023 ước đạt 363,4 nghìn tỷ đồng, bằng 17,5% dự toán năm và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
9. Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ
– Xuất khẩu hàng hóa: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước và giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
– Nhập khẩu hàng hóa: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước và giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
– Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD.
– Cán cân thương mại hàng hóa tháng Ba ước tính xuất siêu 0,65 tỷ USD. Tính chung quý I năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD).
Trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 5,44 tỷ USD, tăng 238,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 5,66 tỷ USD, giảm 4,3%. Nhập siêu dịch vụ quý I năm 2023 là 216 triệu USD.
10. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ
– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 3/2023 tăng 0,74% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,35%. Tính chung quý I năm 2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 5,01%.
– Chỉ số giá vàng tháng Ba giảm 0,56% so với tháng trước; giảm 2,36% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I năm 2023, chỉ số giá vàng trong nước tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước.
– Chỉ số giá đô la Mỹ tháng Ba tăng 0,47% so với tháng trước; tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I năm 2023, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình lao động, việc làm quý I năm 2023 phục hồi tích cực; đời sống nhân dân được đảm bảo; công tác bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I năm 2023 ước tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ước giảm 0,21 điểm phần trăm; thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 7,9 triệu đồng/tháng, tăng 578 nghìn đồng.
Tính đến ngày 20/3/2023, số tiền hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 là gần 1,24 nghìn tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo là hơn 2,34 nghìn tỷ đồng; người có công, thân nhân người có công với cách mạng là hơn 2,56 nghìn tỷ đồng.
[1] Tốc độ tăng GDP quý I so với cùng kỳ năm trước các năm trong giai đoạn 2011-2023 lần lượt là: 5,96%; 4,94%; 4,68%; 5,54%; 6,25%; 5,49%; 5,17%; 7,78%; 7,09%; 3,21%; 4,92%; 5,05%; 3,32%.
[2] Tốc độ tăng/giảm giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý I so với cùng kỳ năm trước các năm trong giai đoạn 2011-2023 lần lượt là: 8,37%; 7,40%; 3,81%; 4,14%; 8,38%; 6,05%; 3,84%; 8,88%; 8,13%; 4,48%; 5,93%; 7,16%; -0,82%.
[3] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ quý I năm 2022 so với cùng kỳ năm trước đạt 4,52%.
[4] Ước tính tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu tháng 3/2023 do Tổng cục Hải quan cung cấp ngày 28/3/2023. Tổng cục Thống kê ước tính trị giá xuất, nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu tháng 3/2023 dựa trên số liệu sơ bộ về trị giá xuất, nhập khẩu một số mặt hàng chủ yếu đến hết ngày 27/3/2023 do Tổng cục Hải quan cung cấp.